Trên xe còn bốn người khác, họ cũng phải đi cách ly giống như chị vì có liên quan đến một nữ hành khách nhiễm nCoV trên chuyến bay VN54 từ London về Hà Nội hôm 2/3.
Bệnh viện Nhiệt đới cơ sở Đông Anh đêm đó, nhân viên y tế đi như chạy. Khá đông người chờ xếp phòng, không ai nói với ai câu nào, hoặc nói nhanh và ngắn. Sau 40 phút, chị được dẫn tới một phòng, nơi có ba đồng nghiệp trong tổ bay. Ai cũng mừng vì được ở cùng nhau, song không ai vồn vã nói chuyện.
"Ai về giường nấy. Qua chat, chúng tôi nhắc nhở nhau bước vào cuộc chiến thứ hai, cuộc chiến phòng lây nhiễm chéo nơi nhiều người nhiễm hoặc nghi nhiễm", chị Bắc kể.
Tiếp viên Phạm Thị Bắc (đeo khẩu trang vàng) cùng tổ bay vẫy tay chào những đồng nghiệp tới thăm qua cửa kính cách ly, ngày 8/3. Ảnh: Vũ Anh Tuấn. |
Khi đã ổn định, chị Bắc nhớ lại cú điện thoại đêm trước của Trưởng đoàn tiếp viên Phan Ngọc Linh báo tin chuyến bay của chị 4 ngày trước có một có bệnh nhân dương tính với nCoV. Không quá bất ngờ, chị hỏi vị trí bệnh nhân rồi mường tượng lại chuyến bay. "Hành khách này ngồi khoang thương gia, ghế 5K. Tôi phục vụ cô ấy vài lần", nữ tiếp viên 40 tuổi nhớ lại.
Ngay lập tức chị để lại con trai hai tuổi rưỡi trong phòng, ôm gối lên tầng 4 nằm một mình rồi vạch sẵn trong đầu những việc cần làm. Sáng sớm chị thông báo với chồng và người giúp việc: "Em là F1 phải vào bệnh viện cách ly. Anh, các con và bác là F2, cách ly tại nhà". Chị cũng nói tình hình để con hiểu và hướng dẫn cách phản ứng trong trường hợp bị kỳ thị. Cuối cùng, là nhờ hàng xóm, bạn bè mua thực phẩm cho gia đình, nhờ cô giáo hỗ trợ việc học cho con, trước khi đóng cửa phòng tự cách ly.
Chiều 8/3, kết quả xét nghiệm trả về: Cả tổ bay đều âm tính với nCoV. Bạn bè, đồng nghiệp tới tấp nhắn tin, gọi chúc mừng. Chị Bắc gọi báo cho chồng ngay. "Gánh nặng như được trút xuống", chị thở phào.
Tiếp viên Phạm Thị Bắc chỉ là một trong khoảng 700 thành viên của hãng bị cách ly từ đầu mùa dịch. Có hai đồng nghiệp không được may mắn như chị khi đã bị nhiễm virus.
Hơn 15 năm làm nghề, chưa bao giờ chị Bắc trải qua giai đoạn khó khăn như hiện tại. Từ khoảng 25 tháng Chạp, chị đã nhận thấy những bất thường trong công việc. Hãng trang bị khẩu trang, găng tay cho nhân viên. Không còn những khuôn mặt vui tươi của hành khách mà là tâm lý lo lắng, e dè. Những đường bay, chuyến bay nước ngoài lần lượt bị cắt. Tuyến quốc nội thưa thớt, trong khi lệ thường thời điểm trước và sau Tết là giai đoạn làm việc căng nhất của những tiếp viên. Những năm trước cứ 6 ngày chị Bắc mới được nghỉ một ngày. Nhưng tháng 2 vừa qua, các chuyến của chị giảm. "Bình thường tôi bay khoảng 90 giờ thì tháng rồi còn 70 giờ", chị chia sẻ.
Tiếp viên trưởng Phạm Thị Bắc (bên trái) trước chuyến bay đưa người Trung Quốc về nước hôm 15/2. Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
Ngày 15/2, tổ bay của Phạm Thị Bắc được giao nhiệm vụ thực hiện chuyến bay đưa hơn 100 công dân Trung Quốc đi du lịch bị mắc kẹt do dịch bệnh, dù từ đầu tháng đó, Việt Nam đã ngưng toàn bộ các chuyến bay với Trung Quốc. Thời điểm này, Covid-19 đang trong giai đoạn hoành hành dữ dội nhất trên đất nước tỷ dân. Nhiều lời can ngăn đừng đi, nhưng chị nghĩ "như người lính, đất nước lâm nguy phải ra trận, bay là sứ mệnh của tiếp viên chúng tôi".
Trên chuyến bay từ Cam Ranh về Thành Đô, mỗi người một tâm trạng. Có một hành khách người Thâm Quyến lấy chồng Nha Trang nói với chị qua đôi mắt ngấn lệ "Đang có dịch nhưng nhà ở đó nên vẫn phải về" và cảm kích phi hành đoàn đã giúp chị đoàn tụ gia đình.
Tới nơi, máy bay được khử khuẩn và các thành viên tổ bay được kiểm tra thân nhiệt kỹ càng. "Bạn đại diện người Trung Quốc xoè tay ra định ôm một cái nhưng rồi khựng lại. Trong bối cảnh dịch mọi người đều hạn chế giao tiếp. Chúng tôi cảm kích nhau qua hai lớp khẩu trang", người tiếp viên kể.
23h35 ngày 10/3, trước lúc cất cánh 10 phút, tiếp viên Nguyễn Phương Ly, 22 tuổi chat với bố: " Tuyến Đức hôm nay hủy rồi bố ạ. Chắc tuyến Anh sắp tới cũng hủy". Ly bày tỏ nỗi lo có thể chuyến này về sẽ phải đi cách ly nếu trên máy bay có người nhiễm bệnh. Bố cô động viên: "Cách ly cũng không sao cả. Đó là trách nhiệm của các con với bản thân và cộng đồng".
Các chuyến bay của Ly thời gian này đều đi thẳng vào tâm dịch Pháp, Đức hay Anh. Nhắn tin với bố trước mỗi chuyến bay là một cách giúp cô gái trẻ giảm bớt căng thẳng. "Chuyến Pháp hôm đó thực sự khó quên, chúng tôi luôn túc trực để theo dõi các biểu hiện khác thường của khách. Trọn một đêm thức trắng", cô kể.
Phương Ly (đầu tiên bên trái) cùng đồng nghiệp trên chuyến bay ngày 10/3. Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
Sau 11 giờ bay, Phương Ly hạ cánh xuống sân bay Charles de Gaulle ở Paris - thành phố đang có hơn 1.100 người mắc Covid-19 và 21 ca đã tử vong. Tới nơi cả tổ bay "cấm trại" trong khách sạn. Cơm với thịt thăn rim, thịt bò kho, chả lá lốt, su hào xào, mẹ Ly làm từ trước được mang ra làm bữa tối cho cả nhóm. Sau đó cả tổ đi ngủ sớm để hôm sau trở về. "Chúng tôi tuyệt đối tuân thủ quy định cách ly nghiêm ngặt khi ngủ đêm tại vùng dịch", Phương Ly nói về "quân lệnh" mới, bên cạnh quy định đeo khẩu trang, găng tay... từ trước.
Học ngành kinh tế nhưng vì tuổi trẻ thích khám phá nên cô muốn được chinh phục bầu trời. Cô gái vẫn còn nhớ trong buổi phỏng vấn từng được hỏi: "Nhìn em giống như tiểu thư, có theo được nghề tiếp viên không?". Hôm ấy Ly đã không trả lời, mà chứng minh bằng nỗ lực suốt hai năm qua.
"Nhiều lần máy bay chao đảo khi vào vùng thời tiết xấu, em cũng nôn mật xanh mật vàng. Vào thời kỳ cao điểm, có những chuyến vừa đặt chân xuống mặt đất chưa kịp nghỉ ngơi thì lại có lịch gọi bay", nữ tiếp viên chia sẻ.
Tiếp viên là nghề luôn phải tô son, điểm phấn. Những ngày đầu thấy người phục vụ trên máy bay đeo khẩu trang, hành khách rất ngạc nhiên. Tại châu Âu, nơi số đông vẫn đang nghĩ khẩu trang gắn với "biểu tượng châu Á và người bệnh" thì Ly và đồng nghiệp bị kỳ thị, xa lánh. "Chuyến thì bay với phi hành đoàn này, chuyến mai đi với đoàn khác, nên bảo vệ chính bản thân mình cũng là đang bảo vệ cho gia đình, đồng nghiệp và hành khách", cô nói.
Bay trong thời Covid-19, các cô gái tiếp viên đã quen dần với việc xước mặt, rách tai và mệt mỏi vì thiếu không khí khi phải đeo khẩu trang suốt mười mấy tiếng.
Từ khi Covid-19 bùng phát tới nay, hãng của tiếp viên Nguyễn Trọng Vinh đã cắt giảm đường bay Trung Quốc, Hàn Quốc và hiện tại là châu Âu . Những tưởng công việc của nam tiếp viên 31 tuổi này sẽ được giảm tải. Song, chỉ trong một tuần từ 2/3 đến 9/3, có ba tổ bay của hãng tại Hà Nội bị cách ly do chuyến bay của họ có hành khách dương tính với nCoV. Vinh phải gánh thêm phần việc mà các đồng nghiệp để lại.
Hôm 14/3, anh bay 4 chặng nội địa, nhiều gấp đôi bình thường. Chỉ trong 3 ngày gần nhất, Vinh đã phục Công ty CP dịch thuật miền trung - MIIDtrans Blog vụ 10 chặng, với hơn 30 giờ bay. Hiện tại những chuyến bay châu Âu đang là nỗi ái ngại với mỗi tiếp viên. Vinh cũng không ngoại lệ. "Nhưng mình không đi thì đồng nghiệp mình sẽ phải đối mặt với những rủi ro như thế", anh nói.
Hai ngày cuối tuần vừa qua Vinh được cho nghỉ. Anh đóng cửa trong phòng, hạn chế tiếp xúc với gia đình. Đến chơi với con, ông bố cũng phải kìm chế vì sợ "chẳng biết mình có đang ủ bệnh trong người".
Vinh dành hều hết thời gian để ngủ bù, chuẩn bị năng lượng cho những chuyến bay châu Âu tuần này, mà anh biết đây sẽ là khoảng thời gian căng thẳng. "Chỉ cần một người bị nhiễm virus, cả tổ bay sẽ cách ly 14 ngày", người tiếp viên 5 năm trong nghề "lên dây cót tinh thần". Song anh cũng bớt lo hơn khi được trang bị đồ bảo hộ, khẩu trang, găng tay còn hành khách được đo thân nhiệt trước khi lên máy bay.
Hai tháng qua Việt Nam đã thực hiện các chuyến bay giải cứu công dân ở Vũ Hán, Hàn Quốc. Hiện có đến nửa triệu hành khách từ các vùng dịch châu Âu đang muốn về quê nhà Việt Nam.
Vinh sẽ bay Đức và Ly sẽ bay Anh đêm nay, chị Bắc cũng sắp hết hạn cách ly để sang tuần sát cánh bên đồng nghiệp trong cuộc chiến để "không một ai bị bỏ lại".
Phan Dương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét